Lợi nhuận thấp, nhiều doanh nghiệp ‘ngại’ làm nhà ở xã hội
Tại Tọa đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân” nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản đã chỉ ra những “nút thắt” trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện nay.
Một trong các vướng mắc đầu tiên khi phát triển loại hình này phải kể đến khó khăn về nguồn vốn. Trên thực tế, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại từ 2013-2016 đã hoàn thành việc giải ngân gần 100%.
Lợi nhuận làm nhà ở xã hội thấp lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp “ngại” phát triển nhà ở xã hội. |
Chính vì thế, sang đến giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn này không còn, trong khi đó Ngân hàng chính sách xã hội chỉ được phân bổ 27% ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, còn các ngân hàng thương mại lại không được phân bổ gói vốn này, dẫn đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp nhiều trở ngại về dòng tiền.
Tiếp đến là tình trạng thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo ông Luyện Văn Phương – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã có quy định là 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại được dành để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu.
Cũng đề cập đến “nút thắt” phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành một chủ đầu tư đã xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội cho biết, một dự án nhà ở xã hội kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng lợi nhuận định mức của nhà ở xã hội tối đa theo quy định là 10%, tính ra mỗi năm chỉ có 2%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm, đây là lý do nhiều doanh nghiệp “ngại” phát triển nhà ở xã hội.
“Chủ đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, điều quan tâm nhất đó là chính sách pháp lý, ưu đãi của của nhà nước để giảm thuế, giảm giá thành cho doanh nghiệp khi triển khai dự án, đồng thời chúng tôi cũng quan tâm đến nguồn cầu của công nhân, người lao động, và quy trình, thủ tục mua nhà ở xã hội của nhóm đối tượng này có gì khó khăn hay không, từ đó tính toán về thời gian hoàn vốn khi phát triển nhà ở xã hội”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết, định mức lợi nhuận chỉ 10% của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Không những vậy, việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan đến cấp sổ hồng, vấn đề bồi thường chi phí giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai, tất cả ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc này.
Cần nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội
Để tháo gỡ, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, theo ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cần phải tháo gỡ hai vấn đề chính.
Thứ nhất, phải sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật, từ luật nhà ở, luật thuế, luật kinh doanh. Đơn cử như hiện tại, Luật Nhà ở cho phép nhà ở khai thác cho thuê có thuế thấp hơn so với nhà ở kinh doanh, thế nhưng, trong Luật thuế lại không đề cập đến nội dung này, dẫn đến bất cập trong việc áp dụng chính sách thuế cho các dự án nhà ở xã hội.
Các địa phương cần nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại… |
Cùng với đó trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Cụ thể xác định các khu đất có ưu đãi hệ số sử dụng đất 1,5 lần, hay xác định đúng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Hai là, đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, để tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Bởi trên thực tế, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do nhà nước quyết định. Chính vì thế, các thủ tục, quy trình cần được xử lý nhanh gọn hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng.
“Khi có thể tham gia dự án sớm và thời gian thu hồi vốn nhanh, thì việc thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội là điều không khó”, ông Hà nêu quan điểm.